TIỂU THUYẾT PHƠI-DƠ-TÔNG


Trước năm 1975, tiểu thuyết đăng nhiều kỳ trên những tờ nhật báo được gọi là phơi-dơ-tông (dịch từ tiếng Pháp feuilleton).

Theo bài viết “Nhà văn Sơn Nam kể chuyện làm báo” đăng trên báo Công an TP.HCM ngày 20-6-2008, feuilleton là từ chuyên môn của những người làm báo Pháp. Feuilleton là một truyền thống riêng của làng báo Pháp, làng báo Hoa Kỳ không có feuilleton. Tạp chí Pháp có lệ đăng tiểu thuyết dài nơi trang trong từ những năm 50 thế kỷ XIX. Người viết feuilleton nổi tiếng nhất của Pháp là Alexandre Dumas, các tác phẩm lừng danh của ông như “Les Trois Mousquetaires” (Ba người lính ngự lâm), “Le Comte de Monte-Cristo” (Bá tước Monte-Cristo) vốn là những bộ tiểu thuyết feuilleton điển hình.

Tiểu thuyết phơi-dơ-tông là loại truyện dài, đăng nhiều kỳ, viết tới đâu đăng báo tới đó. Trước năm 1975, một tờ nhật báo có 4 trang thì nguyên 1 trang trong đã dành hết để in truyện feuilleton. Hầu hết những tờ nhật báo thời đó đều có từ 5 đến 7 truyện theo kiểu đó, nếu sau khi chấm dứt rồi mà nhà xuất bản thấy hấp dẫn sẽ mua để in thành sách. Khai thác những chuyện tình mùi mẫn, éo le, truyện kiếm hiệp…là chiêu của các tờ nhật báo để bán chạy.

Từ những năm 30 làng báo Sài Gòn đã xuất hiện truyện dài phơi-dơ-tông mà tiêu biểu là của những tác giả như Hồ Biểu Chánh với “Nhơn tình ấm lạnh”, Phú Đức với “Châu về hiệp phố” ăn khách, thu hút nhiều độc giả khiến tờ báo tăng doanh số bất ngờ.

Tờ báo được nhiều độc giả, có thể sống vững là nhờ “trang trong”, nơi đăng tải những truyện feuilleton, dù ở trang ngoài, phần thời sự, nghị luận không có gì hơn những báo khác. Chỉ nhờ có một tiểu thuyết feuilleton hấp dẫn, ăn khách, một tờ nhật báo cũng có thể trở thành một tờ báo lớn, bán chạy.

Độc giả tiểu thuyết feuilleton ở Sài Gòn lúc ấy là ai? Đó chính là phụ nữ, những người vợ ở nhà lo việc chợ búa, bếp núc, trông con. Họ có nhiều thì giờ nhàn rỗi, thích đọc những truyện tình ái lâm ly bi đát, mùi mẫn éo le mà nhân vật chính là những thiếu nữ xinh đẹp, con nhà nghèo, bị rơi vào những cảnh ngộ trái ngang. Cũng có khi nhân vật chính là một thiếu nữ con nhà giàu, quyền quý, yêu một chàng trai nghèo hiền lành, chất phác. Họ thích những mối tình, trong đó hai người yêu nhau bị chia cách bởi giàu nghèo. Điều quan trọng nhất là sau cùng tình yêu phải thắng, đôi tình nhân cuối cùng phải nên vợ, nên chồng, ý là, đoạn kết phải có hậu.

Nhiều nhà văn viết một ngày 4-5 tiểu thuyết feuilleton cho nhiều tờ báo khác nhau. Có thể kể các tác giả như Bà Tùng Long, Sơn Nam, Viên Linh, Bà Lan Phương. Bà Tùng Long là cây viết tiểu thuyết chủ lực của nhật báo “Sàigòn Mới”. Bà Lan Phương cũng viết nhiều, cũng có nhiều tiểu thuyết in thành sanh. Còn có mấy cây viết feuilleton nữ nổi tiếng nữa như Nhã Ca, Túy Hồng, Lệ Hằng. Có nhiều tiểu thuyết feuilleton được in sách, dựng phim như: “Loan mắt nhung” của Nguyễn Thụy Long; “Dấu chân sỏi đá” của Duyên Anh; “Mái tóc dĩ vãng” của Ngọc Linh…

Trong khi phụ nữ thích tiểu thuyết tình cảm ướt át, thì nam giới thích truyện võ hiệp kỳ tình, mê những chàng trai lãng tử đa tình, giang hồ hành hiệp. Hiện tượng feuilleton Kim Dung như lên cơn sốt, có nhiều người mua báo chủ yếu để coi tiểu thuyết Kim Dung. Truyện kiếm hiệp đã thật sự làm mưa làm gió trên các nhật báo ở Sài Gòn lúc ấy.

Chỉ cần một truyện feuilleton hấp dẫn là một tờ báo có thể bán chạy, có thể sống được. Những chuyện gối chăn, tình dục, dâm ô… cũng được tập trung khai thác mạnh. Về đề tài này có các cây viết như Lệ Hằng, Minh Đức Hoài Trinh, Lê Xuyên, Trần Đức Lai… Trong đó truyện “Cậu Chó” của Trần Đức Lai là dữ dội hơn cả. Câu chuyện cực kỳ dâm ô, đầy tính chất hoang đường vậy mà thời ấy lại cho đăng.

Sau ngày giải phóng, tiểu thuyết phơi-dơ-tông đã dần biến mất trên các mặt báo do nhiều nguyên nhân, mà chủ yếu có lẽ do các nhà văn không còn hứng thú sáng tác theo kiểu này nữa.

(28/6/2022)
Sĩ Huỳnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *