Khi “thức” dậy tôi thấy mình nằm trên đống rơm rạ giữa đồng. Có những cánh đồng chạy tít nơi xa kia. Tôi nhận ra khu này quen quen nên ngờ rằng đây chính là Bình nguyên và qua những bờ đê phía sau lưng sẽ lên đến con đường đất đỏ dẫn về nhà.
Chiều đang sẫm dần. Có tiếng xe gắn máy lướt ào trên đường. Rồi chiếc nữa, chiếc nữa. Trên bầu trời lộng gió có từng đàn chim đang bay về tổ. Tôi nhỏm dậy, phủi quần áo và bước đi. Những cbánh đồng không còn mênh mông nữa.
Tôi chưa nhớ lại gì hết, không hiểu sao mình lại ở đây. Có nhiều mớ ký ức lộn xộn trong đầu tôi. Đầu tiên tôi nhớ mình đang xem phim trên ipad, một bộ phim gì đó của Leonardo DiCaprio đóng từ 7-8 năm trước. Tiếp đến tôi lại thấy chừng như mình đang đi bộ về nhà trên con đường đất đỏ, qua những hàng me xanh rợp bóng. Nhà của tôi? Đúng rồi, năm mươi lăm năm trước gia đình tôi ở khu này, dãy nhà phố Bình nguyên của bà Hai Đính. Bỗng phía trước nơi gốc me to cao vươn ra nhiều nhánh tôi thấy có nhiều người đang tụ tập, lao xao chỉ trỏ. Tôi chạy nhanh đến, vừa chạy vừa thắc mắc không biết tại sao tôi khỏe đến vậy, cứ như chàng thiếu niên 10 tuổi.
Cảnh tượng bày ra trước mắt tôi thật hãi hùng. Một người đàn ông trung niên nằm như một cái xác dưới gốc me, khuôn mặt và cánh tay bê bết máu. Một thằng bé nói lạc giọng vì sợ hãi:
▪︎ Chú…chú Năm Cày!
Những người khác xì xào:
▪︎ Ổng thắt cổ trên nhánh me, nhánh gãy ổng té xuống chết tươi.
▪︎ Nhánh đâu có cao lắm mà sao té chết được ta?
▪︎ Chú Năm hiền quá, không biết chuyện gì làm ổng phải tự tử.
Nãy giờ tôi đứng như không muốn vững khi thấy máu. Đầu óc tôi cứ lâng lâng mà lại sắp bị nôn nữa. Tôi lũi đi, không bước trên lộ mà ra hướng bờ đê.
Vậy là tôi vừa nhớ lại một đoạn trước khi “ngủ” trên đống rơm. Và theo như suy đoán, dựa trên chứng bệnh “máu xâm”, tôi đồ rằng mình đã loạng choạng bước đi sau khi thấy xác chú Năm Cày, rồi bị ngất trên đống rơm giữa đồng.
Tôi đứng lên, phủi quần áo, định về nhà. Nhìn lên bầu trời chiều lộng gió, tôi phát hiện ra có mấy cánh diều xanh xanh đỏ đỏ đang bay lượn. Một cảm giác dịu dàng êm ả chợt xâm chiếm hồn tôi. Tôi nhớ Vân, nhớ con diều đầu to đuôi ngắn màu xanh lá của chúng tôi. Không biết giờ này cô bé ở đâu. Tôi bước đi trên bờ đê, leo lên đường đất đỏ. Được một đỗi, tôi mới biết thì ra tôi đang đi về hướng nhà Vân.
Nhưng lạ quá, con đường đất đỏ biến mất từ lúc nào không rõ, giờ là đường phố tấp nập người xe, hàng quán. Những dãy sạp trưng bày bánh trung thu thiên về một màu đỏ chạy dài phía bên kia đường. Ôi, trung thu rồi sao? Vui quá!
Tôi nhìn lại mình qua kính chiếu hậu của chiếc xe máy, thấy tôi không còn là cậu thiếu niên 10 tuổi nữa. Thời gian đã chất chồng lên vai tôi, pha màu mái tóc tôi, vẽ những đường rãnh hằn sâu trên khuôn mặt.
Tôi đã mơ một giấc mơ giữa ban ngày, khi đang chạy xe. Thật nguy hiểm, nhưng cũng có thể là không sao, vì thật ra có những giấc mơ chỉ xảy ra trong khoảnh khắc, dù diễn biến câu chuyện rất dài. Tôi nhớ lại, trước khi ra đường, tôi đã xem xong bộ phim Inception (tựa tiếng Việt: Kẻ đánh cắp giấc mơ) là một bộ phim điện ảnh hành động khoa học viễn tưởng Mỹ do Leonardo DiCaprio đóng chính. Nhân vật Dom Cobb đã thực hiện một “giấc mơ trong giấc mơ”, cấy ghép ý tưởng của một người vào trong tiềm thức của người khác.
Hiện tượng “mơ trong mơ” mà khoa học chưa lý giải được có thể được minh họa như sau: Bạn giật mình thức dậy, làm mọi việc hàng ngày như đánh răng, rửa mặt, ăn sáng… và rồi chợt nhận ra rằng mình vẫn đang ở trong giấc mơ và lại tỉnh dậy thêm lần nữa. Bạn đã mơ thấy mình thức dậy. Đó là hiện tượng “mơ trong mơ” mà các nhà khoa học gọi là “thức giả” (Tiếng Anh là false awakening).
(02/8/2022)
SĨ HUỲNH